Khi sấy thành phẩm sau in lụa thường xảy ra tình trạng hình in bị nứt, cần hiểu rõ nguyên nhân để tìm ra cách xử lý thích hợp.
Mềm, mịn, mướt là những tiêu chí quan trọng để đánh giá một hình in lụa chất lượng. Tuy nhiên trong quá trình in vẫn xảy ra các lỗi làm cho hình in bị nứt ngay sau khi vừa sấy xong. Cùng T.T.K tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách khắc phục nhé!
Nguyên nhân:
- Pha quá nhiều nước vào mực in: thành phần của mực in gồm chất rắn và dung môi là nước, tỷ lệ nước quá nhiều làm giảm độ bám, độ đàn hồi của mực, hình in bị mỏng thịt nên khi khô dễ bị nứt.
- Sớ vải quá lớn và lực đàn hồi của mực in không đáp ứng được. Ví dụ như vải thun borip.
- Lỗi trong thao tác gỡ vải sau khi in bị ngược sớ vải.
- Mực in vẫn còn quá ẩm và không sấy sơ trước khi gỡ vải.
- Lựa chọn chất tăng bám không tương thích làm mực in bị đóng cứng, mất độ đàn hồi.
- Sử dụng mực in pha tăng bám để qua ngày.
Cách xử lí:
- Pha tỷ lệ nước và mực phù hợp
- Chọn loại mực phù hợp với sớ vải. Ví dụ: chọn những loại mực có độ đàn hồi cao, độ dày thịt đối với những loại vải có sớ vải lớn
- Lưu ý trong thao tác gỡ vải sau khi in phải gỡ cùng sớ vải (như hình minh họa)
Kéo vải theo chiều mũi tên
- Sấy sơ cho mực in khô mặt trước khi gỡ thành phẩm khỏi bàn in.
- Không sử dụng mực in pha tăng bám để qua ngày vì tăng bám sau khi pha chỉ có hiệu quả trong 1 khoảng thời gian nhất định (4 - 8 giờ), sau khoảng thời gian này tăng bám trong mực không còn tác dụng, và làm mất tính đàn hồi của mực.
In lụa là phương pháp khá phổ biến hiện nay, hy vọng với những chia sẻ trên có thể giúp
được các bạn tạo ra được một sản phẩm ưng ý.
Bài viết dựa trên kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn cá nhân, mọi người tham khảo và cùng đóng góp ý kiến về các hướng xử lý hiệu quả nhé!
T.T.K Chemical Corp