Tách chiết dịch màu từ nguyên liệu tự nhiên.
Ngày nay, việc sử dụng rộng rãi các chất màu trong ngành công nghiệp thời trang và may mặc đang làm gia tăng hiện tượng ô nhiễm, đặc biệt là tại các con sông, suối, ao hồ.
Trước thực trạng như vậy, Công ty TNHH dệt nhuộm Trung Thư - Hưng Yên đã phối hợp với Ts. Hoàng Thị Lĩnh - Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội và Công ty TNHH GoldenDolphin thực hiện nghiên cứu chất nhuộm màu tự nhiên thay thế chất nhuộm hóa học.
Con đường đến với nghiên cứu này của Ts Hoàng Thị Lĩnh bắt đầu từ năm 1996 khi bà được một số tổ chức phi Chính phủ mời tham gia vào dự án giúp dân tộc thiểu số nâng cao độ bền màu của thổ cẩm.
Với sự phát triển của vải sợi tổng hợp và chất màu hóa học cũng như giá thành của các sản phẩm thủ công khá đắt, các sản phẩm truyền thống ngày càng mai một. Thực tế hiện nay rất ít chất nhuộm tự nhiên được sử dụng để nhuộm các loại vải, kể cả tơ tằm. Đối với đồng bào thiểu số cũng vậy, họ thường dùng chất nhuộm tổng hợp, nếu dùng chất nhuộm tự nhiên thì chủ yếu là trong cây chàm.
Là chuyên gia trong lĩnh vực hóa nhuộm, trong quá trình tham gia thực hiện Dự án Thay thế chất nhuộm hóa học bằng chất màu tự nhiên - Phương pháp sản xuất sạch và hiệu quả hơn (từ năm 2012 - 2013), Ts Hoàng Thị Lĩnh đã phát hiện trong thiên nhiên có sẵn các nguồn nguyên liệu làm chất nhuộm. Trong phòng thí nghiệm, Ts Lĩnh đã sử dụng lá bàng, lá tre, lá thiên lý, lá xà cừ, lá găng, ngải cứu, lá bạch đàn, lá chè, lá hồng xiêm, vỏ cây xà cừ... để nhuộm vải sợi bông, lanh và vải tơ tằm. Ban đầu, bà làm bằng phương pháp thủ công: nấu lá lên để lấy dung dịch màu trong lá rồi nhúng vải vào nhuộm. Trong dung dịch màu có bổ sung một số chất làm tăng khả năng lên màu, đều màu, bền màu và tạo ra các ánh màu, gam màu khác nhau.
Ts Lĩnh dùng phương pháp tách chiết dịch màu như trên vì nếu tách chất màu trong lá rồi chế thành thuốc nhuộm tinh khiết sẽ rất tốn kém. Hơn nữa, trong dung dịch màu có nhiều tạp chất và những tạp chất này góp phần tạo ra những gam màu trầm, tự nhiên mà không thể có được nếu dùng thuốc nhuộm tổng hợp. Dung dịch màu được tận dụng tối đa vì nước đầu tiên sẽ được dùng để nhuộm màu đậm, những nước còn lại sẽ cho các gam màu nhạt hơn.
Theo thời gian, Ts Lĩnh đã phát triển được ý tưởng về công nghệ, vừa tách dịch màu, vừa nhuộm vải trên thiết bị công nghiệp với số lượng lớn. Nguyên liệu sau khi thu gom được đưa vào bộ phận phụ trợ bên cạnh máy nhuộm để chiết dung dịch màu. Sau đó, dung dịch được đưa trực tiếp vào máy nhuộm để nhuộm vải như phương pháp nhuộm thông thường.
Phát triển nhuộm màu tự nhiên theo quy mô công nghiệp
“Toàn bộ quá trình kỹ thuật nhuộm tự nhiên đã được các chuyên gia từ Khoa dệt may và thời trang, ĐH Bách khoa Hà Nội chuyển giao và cải thiện công nghệ nhuộm vải và lụa với chất màu tự nhiên chiết xuất từ lá cây có sẵn trong nước như lá chè, lá tre... Đây là công nghệ dựa trên những kỹ thuật truyền thống của người dân nhưng đã được cải tiến với kỹ thuật mới khiến cho sợi vải bền màu hơn. Quan trọng hơn nữa là công nghệ này có lợi thế là có khả năng bảo vệ da, chống vi khuẩn khi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường”, Ts Lĩnh cho biết.
Việc áp dụng công nghệ mới này đã được các nhà khoa học Việt Nam kiểm định thành công trong việc nhuộm vải bằng các chất màu tự nhiên, lấy từ các loại cây trồng có sẵn và chất thải nông nghiệp trên quy mô rộng có độ bền màu cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường đối với vải lụa và cotton.
Ts Lĩnh chia sẻ: hiện tại, nhu cầu sử dụng vải tự nhiên và thời trang sinh thái đang tăng cao trên toàn thế giới. Khi chúng tôi sản xuất được vải hoàn toàn từ tự nhiên (cả chất vải và thuốc nhuộm) và xây dựng được thương hiệu cho vải sinh thái sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu. Những sản phẩm này được khách hàng yêu thích vì có đặc điểm như mềm, mỏng và độ bền màu cao. Chất nhuộm tự nhiên thường có tính ổn định cao và duy trì được độ bền đẹp trong một thời gian dài. Ngày càng có nhiều khách hàng từ Nhật Bản và châu Âu đặt những sản phẩm này từ Việt Nam nhưng đến giờ, chúng tôi không có đủ để cung cấp. Theo đó, điều quan trọng là Việt Nam cần phát triển hình thức nhuộm này theo quy mô công nghiệp.
Sử dụng chất nhuộm màu tự nhiên giúp người dân tận dụng các nguồn chất thải từ sản xuất nông nghiệp như lá chè, lá tre... và những cây dễ trồng để cung cấp nguyên liệu cho việc chiết xuất màu. Thêm vào đó, việc áp dụng công nghệ này giúp khôi phục những làng nghề dệt vải truyền thống, làng nghề bông tự nhiên Trát Cầu, làng nghề Quất Động… và thúc đẩy sự phát triển của vải lụa nhằm đáp ứng nhu cầu đầu vào khi nhuộm tự nhiên với quy mô lớn.