Hyđro peroxit (H2O2) thường được sử dụng làm chất khử trùng và tẩy trắng. Thị trường toàn cầu đối với sản phẩm này dự kiến sẽ đạt 3,8 triệu tấn trong năm 2009.
Hiện nay H2O2 thường được sản xuất theo phương pháp gián tiếp với xúc tác anthraquinon. Đây là phương pháp bao gồm quá trình hyđro hóa anthraquinon và sau đó oxy hóa anthraquinol. Trong khi đó, các phương pháp sản xuất trực tiếp thường có xu hướng không chỉ hyđro hóa trực tiếp O2 thành H2O2 mà còn chuyển hóa H2O2 thành nước (H2O), do đó làm giảm hiệu suất thu hồi sản phẩm.
Mới đây, giáo sư Graham J., Hutching tại Đại học Tổng hợp Cardiffi, Wales (Anh) đã phát hiện ra rằng, nếu dùng axit nitric hoặc axit axetic để xử lý sơ bộ giá thể (nền) cacbon, sau đó làm khô giá thể này trước khi đưa các chất xúc tác vàng - palađi (Au - Pd) vào thì sẽ tạo ra chất xúc tác có thể tái sử dụng, cho phép sản xuất H2O2 bằng phản ứng trực tiếp giữa O2 và H2, với tỷ lệ chuyển hóa thành H2O ở mức tối thiểu.
Kết hợp các thí nghiệm hyđro hóa và hình ảnh quét của kính hiển vi điện tử về quá trình chuyển hóa chất xúc tác đã được điều chế, các nhà khoa học cho rằng việc xử lý sơ bộ bằng axit đối với nền xúc tác như trên sẽ tạo ra những hạt xúc tác nano Au-Pd nhỏ hơn và phân tán tốt hơn, theo đó sẽ làm giảm các vị trí có thể chuyển hóa H2O2 thành nước.
Tuy còn cần phải tiếp tục nghiên cứu để đánh giá tác động của việc xử lý sơ bộ bằng axit đối với quá trình tổng hợp H2O2 trong những điều kiện tương tự như sản xuất thực tế, nhưng các kết quả trên cho thấy có thể sản xuất H2O2 với độ chọn lọc cao thông qua một quá trình trực tiếp. Kết quả này cũng sẽ khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng khác thường này.